VIẾT NÊN CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG TỪ CỎ CÂY (st. PNVN)

Posted on Tin tức 220 lượt xem

Cây cỏ và mỹ thuật

Lương Anh Thư sinh ra và lớn lên ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật, chị mang nhiệt huyết của mình truyền cho các học sinh của trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Đà Nẵng), nơi chị công tác. Niềm đam mê với cây cỏ luôn song hành với đam mê mỹ thuật. Điều đó khiến chị viết nên một câu chuyện từ cỏ cây.

Qua quá trình tìm hiểu, sử dụng nhiều sản phẩm xà bông trên thị trường, chị nhận thấy ở Việt Nam có nhiều nguyên liệu chưa được khai thác triệt để. Và hơn hết, ước mơ cùng bà con nông dân cải thiện cuộc sống, xây dựng vùng dược liệu phủ xanh ruộng đồi bỏ hoang, chung tay làm sạch môi trường, lan tỏa lối sống “xanh” đã thôi thúc chị nghiên cứu xà bông từ thảo mộc.

Lương Anh Thư bắt đầu nghiên cứu, tự học, tự mày mò cách làm xà bông, điều chế tinh chất thảo mộc. Qua quá trình xây dựng và thử nghiệm, sản phẩm xà bông thảo mộc của chị đạt 7 chỉ tiêu theo Thông tư 06/2011/BYT, quy định quản lí về mỹ phẩm – quy định của ASEAN về giới hạn kim loại nặng và vi sinh vật trong sản phẩm mỹ phẩm. Để nâng cao năng lực nghiên cứu, chị tiếp tục theo học, bồi dưỡng chuyên ngành Y dược tại trường Cao đẳng Công nghệ Y dược Việt Nam.

Không chỉ dừng ở công dụng tẩy rửa, Hiyou Farm còn khai thác triệt để công năng sử dụng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Một bánh xà bông có thể vừa được dùng để tẩy trang, vừa gội, tắm, dưỡng da và vệ sinh vùng kín. Mỗi bánh xà bông là một độc bản, một tác phẩm nghệ thuật để người tiêu dùng vừa tắm vừa thư giãn. Cùng với đó, sản phẩm Hiyou Farm còn mang “tham vọng” tái hiện kí ức xưa qua mùi hương. Đó là hương thơm của những nồi nước lá được mẹ, được bà dùng để tắm cho trẻ.

 

Để tiếp cận khách hàng trên các phân khúc thị trường, chị Anh Thư và đội ngũ Hiyou Farm đã không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì, chủ động đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng và vận hành website giới thiệu sản phẩm… Chị Lương Anh Thư cho biết, thời gian tới, chị sẽ đầu tư và xây dựng xưởng sản xuất tại thành phố Đà Nẵng. Chị mong muốn được tạo nên những sản phẩm phù hợp với chủ trương “một thành phố xanh, sạch và đáng sống” của Đà Nẵng. Cùng với đó là hỗ trợ người nông dân phát triển cây dược liệu, cải thiện kinh tế, lan tỏa lối sống sạch.

Chị Anh Thư cũng đang nghiên cứu sản phẩm bằng các thảo mộc đặc trưng vùng miền như tinh dầu tràm Huế; quế Trà My (Quảng Nam); sâm dây Ngọc Linh (Kon Tum); mật ong rừng Gia Lai… “Phụ nữ khởi nghiệp có những khó khăn nhất định nhưng luôn tràn đầy nhiệt huyết. Chúng tôi muốn nâng tầm giá trị thảo mộc Việt Nam. Chúng tôi mong được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển sản phẩm của người Việt, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nước nhà”, chị Anh Thư cho biết thêm.

Báo PNVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *